Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam cho biết, thời gian qua cơn sốt đất tại TP HCM đã thổi luồng gió mới vào thị trường các tỉnh lân cận, giáp ranh Sài Gòn.
Theo ông Nam, thị trường địa ốc Long An, Đồng Nai, Bình Dương với lợi thế có địa phận liền kề TP HCM, đã chuyển biến sôi động, nhanh chóng trở thành thỏi nam châm hút các dòng tiền trung bình và nhỏ. Chuyên gia này cho rằng có ít nhất 6 lý do khiến nhà đất giáp ranh Sài Gòn trở nên sôi động, tăng giá thời gian qua.
Đất tỉnh giáp ranh rẻ hơn Sài Gòn
Từ năm 2017 đến nay, mặt bằng giá đất tại các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương đã bị đẩy lên đáng kể nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều (rẻ hơn trung bình 3-5 lần) so với TP HCM. Khoảng cách giá đất giữa siêu đô thị và tỉnh lẻ càng nới rộng hơn khi cơn sốt đất tại Sài Gòn lan rộng trong năm 2017.
Với ưu thế giá đất ở tỉnh giáp ranh rẻ hơn Sài Gòn, những dòng vốn từ vài trăm triệu đồng đến trên dưới một tỷ đồng rộng cửa đổ về thị trường ngách này do khó tìm được nhiều sự lựa chọn thích hợp. Trong khi đó, đầu tư đất hoặc bất động sản liền thổ tại TP HCM đòi hỏi dòng vốn phải lớn hơn, tối thiểu dăm ba tỷ đồng trở lên mới nhập cuộc được.
Đất vùng ven vẫn là kênh trú ẩn an toàn
So với các kênh đầu tư tài chính khác như: gửi tiết kiệm, vàng, ngoại tệ, chứng khoán, đất nền vượt trội về tính ổn định, chống trượt giá cao và là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền nhàn rỗi trong trung và dài hạn. Dòng vốn nhỏ tuy chỉ mua được nhà đất tỉnh lẻ (không có giá trị cao bằng Sài Gòn) nhưng vẫn đảm bảo được tính năng này và đồng thời cũng có hiệu suất đầu tư cạnh tranh so với các kênh tài chính khác. Do đó, lực hút của đất nền giáp ranh đối với dòng tiền nhỏ vẫn cực lớn.
|
Bất động sản vùng ven vẫn có mặt bằng giá khá thấp so với nội đô TP HCM. Ảnh: Vũ Lê
|
Hạ tầng liên vùng ngày càng đồng bộ
Các khu vực giáp ranh Sài Gòn nhưng có địa phận thuộc tỉnh vệ tinh đang có được ưu thế khá lớn về hạ tầng. Đó là cầu, đường, metro, cao tốc, vành đai liên kết vùng giữa TP HCM với Đồng Nai, Long An và Bình Dương.
Hiện nay tuyến metro số một của Sài Gòn có kế hoạch nối dài qua địa phận Bình Dương và Đồng Nai hay tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cây cầu hứa hẹn kết nối TP HCM với Nhơn Trạch hoặc những tuyến đường được nâng cấp mở rộng từ đô thị 10 triệu dân này về hướng Long An đang khiến thị trường địa ốc tỉnh lẻ trở nên sôi động không thua kém gì Sài Gòn.
Thời gian di chuyển được rút ngắn
Quãng đường di chuyển quá xa hiện đã không còn là rào cản với bất động sản có vị trí ngoại ô, ven đô, giáp ranh Sài Gòn nữa. Nguyên nhân là thời gian di chuyển được rút ngắn nhờ công cụ hỗ trợ cực tốt: hạ tầng liên vùng ngày càng đồng bộ. Khi bán kính di chuyển không còn là sức ép, dòng vốn dịch chuyển vào bất động sản ở vùng trũng (khu vực có giá đất thấp hơn) là điều tất yếu.
Vùng giáp ranh Sài Gòn là các đô thị công nghiệp
Đồng Nai, Long An, Bình Dương đều là 3 tỉnh giáp ranh TP HCM có vùng công nghiệp phát triển. Bất động sản ở gần các thành phố công nghiệp luôn được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng.
Đối với Bình Dương, địa bàn Dĩ An tập trung nhiều khu công nghiệp nhất, mật độ dân số cao và có khoảng cách khá gần TP HCM. Với Long An, vùng công nghiệp lân cận TP HCM là Long Hậu, Đức Hòa 1, Khu công nghiệp Xuyên Á, Đức Hòa 3. Tại Đồng Nai, có nhiều khu công nghiệp ở Biên Hòa, Nhơn Trạch. Lượng công nhân ở các khu công nghiệp giáp ranh TP HCM này khá nhiều đã tạo nên lực hấp dẫn lớn cho thị trường đất nền tại đây và thu hút được nhiều dòng vốn nhỏ đổ về.
Tâm lý sở hữu đất mạnh mẽ
Do tập quán cha ông để lại, giàu nghèo gì cũng phải cố có mảnh đất cắm dùi. Đất đai là tài sản có giá trị theo quan niệm truyền thống của phần lớn người Việt. Trải qua nhiều giai đoạn thị trường nhà đất nóng sốt, quan niệm này càng được củng cố. Niềm tin giá đất tăng dần theo thời gian hoặc giữ giá tốt hơn những tài sản khác khiến người Việt luôn ưu tiên loại sản phẩm này, thậm chí họ còn xem đất nền là kênh tích lũy tài sản lâu dài.
Điều này lý giải được việc hiện thực hóa tài sản, dịch chuyển từ tiền sang đất đai, là xu hướng thời thượng, thậm chí có thể xem là quan niệm cố hữu, bất di bất dịch trong đại đa số người dân. Vì vậy, khi không mua nổi đất TP HCM vì sốt đất đẩy giá bất động sản liên tục leo thang, đất có vị trí xa hơn, dù thuộc địa phận tỉnh lẻ, nhưng vẫn giáp ranh, di chuyển thuận tiện về thành phố sẽ trở thành mục tiêu săn lùng của những dòng vốn nhỏ.