Gần 20 năm qua, nhiều giải pháp, dự án chống ngập đã được triển khai nhưng vẫn chưa hiệu quả, ngập lụt vẫn ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi cần có những đánh giá và giải pháp cụ thể, thiết thực hơn…
Người dân khốn khổ vì ngập
Sau cơn mưa, nhiều tuyến đường tại TP.HCM biến thành sông.
Dù đã cuối mùa mưa, nhưng nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM vẫn ngập sâu khi mưa đổ về, triều cường dâng lên. Nước ngập lên nhanh chóng khiến nhiều xe cộ đang lưu thông bị chết máy. Nhà dân gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, sinh hoạt, đi lại.
Ghi nhận của PV, chỉ sau 2 giờ mưa lớn, khu vực đường Huỳnh Tấn Phát – Trần Xuận Soạn (quận 7), đường Đồng Đen – Bàu Cát (quận Tân Bình), đường Phan Huy Ích – Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), đường Bạch Đằng – Định Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), đường Nguyễn Văn Quá (quận 12),… đã bị ngập rất nặng.
Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ xảy ra tình trạng trên, là bởi trước năm 1975, TP.HCM được quy hoạch với quy mô dân số khoảng 2 triệu dân. Do đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được quy hoạch và thiết kế tương ứng với quy mô dân số. Tuy nhiên, sau hơn 40 năm giải phóng, dân số của TP.HCM đã tăng lên trên 10 triệu dân. Đó là chưa tính dân vãng lai, dẫn đến lượng nước thải cũng tăng lên gấp hơn 5 lần.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước của thành phố chủ yếu thông qua sông, kênh, rạch với 3.020 tuyến, tổng chiều dài là 5.075km. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, hầu hết, hệ thống sông, kênh, rạch chưa được đầu tư nạo vét, gây bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước.
Bên cạnh đó, tình trạng đô thị hóa lấn chiếm kênh rạch cũng gây cản trở dòng chảy nên mỗi khi có mưa lớn lượng nước thoát không kịp gây ngập lụt cục bộ ở một số nơi.
Đối với khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, nhiều kênh, rạch tại khu vực quận 7 bị san lấp để xây dựng khu dân cư. Ngoài ra, đây cũng là cung đường nhiều xe container lưu thông ra vào các cảng khiến mặt đường bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Mỗi khi trời mưa to, tuyến đường bị ngập nước sâu hơn nửa mét khiến hàng loạt xe chết máy phải dắt bộ trong mưa.
Chính vì lẽ đó, mới đây, khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (sở GTVT TP.HCM) cho biết, tiếp tục triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát để giải quyết ngập nước và xử lý mặt đường hư hỏng với tổng kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ khởi công vào cuối tháng 11/2017 và hoàn thành vào cuối năm 2018.
Anh Nguyễn Thanh Phong, nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát chia sẻ: “Là người dân chịu cảnh ngập nước nhiều năm nay trên đoạn đường Huỳnh Tấn Phát, chúng tôi rất mong mỏi nhà nước nghiên cứu biện pháp chống ngập. Tuy nhiên, thông tin chi 250 tỷ đồng chỉ để nâng đường lên cao khoảng 20-30cm nhằm chống ngập, tôi cho là chưa hợp lý. Vì khu vực này có khi ngập tới 1m.
Việc nâng đường lên cao, khiến nhà dân thấp hơn so với mặt đường, sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt, ăn ở của người dân. Nhà cửa sẽ phải cơi nới theo đường, thế nhưng tôi khẳng định việc nâng đường sẽ không giải cứu được tình trạng ngập ở khu vực này. Cần xem xét, tính toán thật kỹ nhằm giúp dân vừa thoát ngập, vừa có chỗ ở sạch sẽ”.
Cần khảo sát kỹ
Chyên gia giao thông TS. Phạm Sanh.
TS Phạm Sanh , chuyên gia giao thông, trường ĐH GTVT TP.HCM cho rằng: “Những năm qua, các dự án chống ngập chỉ được tập trung đầu tư ở khu vực trung tâm TP.HCM và đã có những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng ngập sẽ phát sinh ra khu vực ngoại thành với mức độ trầm trọng hơn do quá trình phát triển đô thị, một số hệ thống sông ngòi san lấp để xây dựng khu dân cư. Trước tình trạng như vậy, TP.HCM đã chi hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các hệ thống chống ngập”.
"Cách đây khoảng hơn một năm trước, TP.HCM còn chi 10.000 tỷ đồng để xây dựng 6 cống ngăn triều nhằm chống ngập lụt. Một trong 6 cống ngăn triều này được xây dựng ở khu vực quận 7 phía hạ lưu kênh Tẻ để ngăn triều cường từ sông Sài Gòn vào. Vì thế, nếu bây giờ TP.HCM tiếp tục chi 250 tỷ đồng để chống ngập ở khu vực đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) thì cần phải khảo sát, xem xét kỹ các cống ngăn triều .
Đồng ý rằng trong 250 tỷ đồng này sẽ xây dựng, nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát lên. Bởi, đường này đã quá cũ kỹ, hệ thống cầu cống cũng đã lạc hậu cần nâng cấp. Tuy nhiên, trong quá trình nâng phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với cống ngăn triều mới đạt được hiệu quả”, chuyên gia này cho biết thêm.
Cũng theo TS Phạm Sanh, mới đây, tình trạng ngập còn diễn ra cả khu vực trung tâm quận 1. Điều đó cho thấy hiệu quả việc chống ngập chưa cao, sự sai lầm trong việc xây dựng hệ thống thoát nước khi áp dụng các tiêu chuẩn, quy hoạch đã lạc hậu, lỗi thời so với tình hình mưa lũ, triều cường thực tế rất phức tạp như thời gian qua.
Bên cạnh đó,TP đầu tư chống ngập theo kiểu cục bộ, thiếu sự kết nối đồng bộ giữa các khu vực, các quận huyện. Tình trạng chủ đầu tư xây dựng đường, hệ thống cống thoát nước chưa tính đến sự đồng bộ cho toàn khu vực. Do đó, chi hàng chục tỷ đồng chống ngập nhưng tình trạng ngập xảy ra nhiều nơi trên TP.
TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM khẳng định, tình trạng ngập tại TP do mưa, do triều cường tồn tại nhiều năm nay, việc chống ngập rất tốn kém. Do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới nhiều điểm ngập nặng trên địa bàn TP như do đô thị hóa, san lấp mặt bằng, xây đê bao ngăn nước mặn cho nhiều vùng… Tuy nhiên, phổ biến nhất là tình trạng đua nhau san lấp mặt bằng, lấy hết các khu vực chứa nước tự nhiên như các hồ, đầm, vũng lầy.
Trước đây, khu vực đầm lầy ở Nam Sài Gòn, như Phú Mỹ Hưng (quận 7), huyện Nhà Bè, Cần Giờ là khu vực chứa nước tự nhiên, nhưng bây giờ đã được san lấp xây dựng thành khu dân cư tấp nập. Theo quy hoạch của người Pháp hơn 100 năm trước, đây là những không gian chứa nước triều cường. Nhưng nay tình trạng san lấp nhiều, không gian bị thu hẹp, khiến cho triều cường dâng cao và gây ngập toàn diện