Theo đó, các công trình này bao gồm:
Một là Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương. Chủ dự án là Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM.
Được biết, Dự án tuyến metro số 2, TP.HCM giai đoạn 1 có mục tiêu xây dựng đoạn tuyến đi ngầm dài khoảng 9,2 km; xây dựng đoạn tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2 km; các công trình trên tuyến bao gồm 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot; cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ như đầu máy, toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động...
Dự án vay vốn ODA từ các Nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và nguồn vốn đối ứng từ Ngân sách Nhà nước.
Trong giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương), Dự án được đầu tư xây dựng nhằm bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ Trung tâm Thành phố về phía Tây Bắc và ngược lại, làm cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này.
Hai là Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2. Chủ dự án: Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị.
Dự án trên đang được thành phố triển khai. Trong giai đoạn này, dự án tiếp tục hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, góp phần giảm ngập cho lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ. Các hạng mục công trình của dự án sẽ được triển khai, xây dựng trên địa bàn 7 quận, huyện của TP gồm quận 4, 5, 6, 8, 10, 11 và Bình Chánh với tổng diện tích lưu vực 2.150ha. Tổng mức đầu tư của dự án là 11.282 tỷ đồng, gồm vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách TP. HCM.
Dự án có 5 gói thầu xây lắp, 2 gói thầu tư vấn kỹ thuật. Trong đó, gói thầu J mở rộng nhà máy xử lý nước thải có mục tiêu mở rộng và nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng hiện hữu từ 141.000m³/ngày đêm (giai đoạn 1) lên 469.000m³/ngày đêm, nhằm thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường nước thải sinh hoạt của người dân trên địa bàn các quận 4, 5, 6, 8, 10 và 11 (với diện tích lưu vực 2.150ha) để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.
Gói thầu K cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực rạch Hàng Bàng nhằm cải tạo rạch Hàng Bàng và xây dựng các tuyến cống thoát nước cấp 2 và trạm bơm thuộc lưu vực rạch Hàng Bàng để giải quyết tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường cho khu vực.
Gói thầu G xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước thải sẽ xây dựng hơn 33,7km cống. Gói thầu I mở rộng trạm bơm trung chuyển và xây dựng tuyến cống chuyển tải; trong đó sẽ mở rộng, nâng công suất trạm bơm chuyển tiếp nước thải Đồng Diều hiện hữu từ 192.000m³/ngày lên 640.000m³/ngày, lắp đặt bổ sung 3 máy bơm, xây dựng bổ sung 2 ngăn lắng cát, lắp đặt bổ sung 1 máy biến áp và 1 máy phát điện dự phòng; xây dựng cống hộp đôi dài 3,6km…
Gói thầu F cải tạo kênh và hệ thống bơm thoát nước sẽ cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé với chiều dài bờ kè hơn 9,1km, chiều dài nạo vét kênh hơn 5,7km; cải tạo thoát nước mưa bằng việc nâng công suất trạm bơm Mễ Cốc 1 phường 15, quận 8 từ 0,7m³/s lên 1,5m³/s.
Thứ ba, Dự án "Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2". Chủ dự án là Ban Quản lý đầu tư dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM.
Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 524 triệu USD (hơn 11.000 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay của Ngân hàng thế giới 450 triệu USD và 74 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM.
Dự án nhằm hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và quận 2, xử lý nguồn nước thải đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường.
Thứ tư là Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM làm chủ đầu tư.
Với quyết tâm đó, dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn I được khởi công ngày 26/6/2017. Đến nay, sau 18 tháng thi công, phần xây lắp của 3/6 hạng mục dự án đã hoàn thiện đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
UBND TP.HCM vừa yêu cầu UBND các quận 1, 4, 7, 8 và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè có kế hoạch triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án trong năm 2018; kiên quyết không để tình trạng lấn chiếm đất, gây khó khăn triển khai dự án; đảm bảo bàn giao mặt bằng thi công cho nhà đầu tư chậm nhất vào đầu tháng 5/2018 |