Cụ thể, các chủ đầu tư xây dựng, chủ sở hữu quản lý sử dụng tòa nhà có tầng hầm phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về thoát nước cho các công trình cao tầng, lập phương án ứng phó, di dời các phương tiện, tài sản tại tầng hầm trong trường hợp tầng hầm bị ngập nước.
UBND thành phố cũng yêu cầu các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình trang bị máy bơm và máy phát điện dự phòng để có thể khắc phục ngập nước và cấp điện dự phòng cho máy bơm trong trường hợp trời mưa lớn, bị ngắt điện.
Chỉ đạo này của thành phố được đưa ra khi thời gian gần đây có rất nhiều tầng hầm nhà cao tầng bị ngập nước khi mưa lớn, dù cơ quan chức năng đã có nhiều khuyến cáo.
Theo thống kế của Cảnh sát PCCC TP.HCM từ ngày 21-6 đến 2-10 đã phải cứu hộ 15 trường hợp ngập nước tại các tầng hầm trên địa bàn thành phố gây hư hỏng nhiều tài sản của người dân.
Trong báo cáo trình UBND TP.HCM hồi tháng 7, Sở Xây dựng khẳng định, nếu tầng hầm xảy ra tình trạng ngập mưa là do lỗi kỹ thuật từ thiết kế đến thi công. Nước vào hầm từ hai nguồn, bên ngoài tràn vào theo dốc hầm hoặc nước từ cống thoát lên và cùng lúc xảy ra hai tình huống này. Trong khi đó, nếu thiết kế đúng thì nước bên ngoài sẽ không thể tràn vào bên trong. Còn hệ thống cống phải được sử dụng van một chiều để tránh tình trạng tràn ngược.
Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, ngoài nguyên nhân chủ quan do lượng mưa tăng có thể làm cho tình trạng ngập tầng hầm ở các tòa nhà cao tầng tăng lên còn có nguyên nhân chủ quan là do công tác lập phương án ứng phó tình trạng ngập tầng hầm không tốt. Cụ thể, trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công một số công trình không thiết kế công suất máy bơm hoặc không tính toán phương án thoát nước tràn vào với khối lượng lớn khi mưa to, đường ngập…
Theo Trí thức trẻ/ Xuân Thắng