Hà Nội có 180 tòa nhà chung cư tái định cư (TĐC) đã được đưa vào sử dụng với tổng số 16.905 căn (trong đó có 12 tòa nhà thương mại có căn hộ TĐC xen lẫn căn hộ thương mại). Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 166 tòa nhà TĐC, số còn lại do các đơn vị, địa phương của thành phố quản lý.
152 nhà TĐC chưa đủ điều kiện PCCC, chậm được khắc phục
Hầu hết nhà chung cư TĐC ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng xuống cấp, hư hỏng khi đưa vào sử dụng. Điển hình như khu TĐC Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội gồm 10 tòa nhà. Tình trạng nền tòa nhà sụt lún thành nhiều hố sâu, gây nứt nhà dân, hư hỏng hạ tầng ngầm khiến hệ thống nước thải tràn ra xung quanh.
Dù đã được tiến hành tu sửa nhiều lần, nhưng hàng loạt các căn hộ tại khu TĐC Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đang bị ngấm nước, nhiều hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng. Các hộ dân đã nhiều lần phản ánh về tình trạng thang máy, nhà cửa xuống cấp, nước sinh hoạt không đảm bảo...
Tái định cư Đồng Tàu xuống cấp, hư hỏng.
Đơn vị quản lý đã khắc phục, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, theo phản ánh của một số hộ dân đang sinh sống tại các tòa nhà B10A, B10C, B11A, B11B… nhiều căn hộ ở đây đang bị ngấm nước và xuống cấp nghiêm trọng.
“Vật liệu xây dựng, chất lượng xây dựng khu tái định cư không tốt, nên sau thời gian ngắn sử dụng đã hư hỏng. Đường ống nước bị vỡ nước ngấm nên tường bị hư hỏng, các gia đình phải tự tìm cách khắc phục” - ông Đinh Đức Linh một hộ dân ở khu TĐC Nam Trung Yên chia sẻ.
Các chung cư TĐC trên địa bàn các quận: Ba Đình, Thanh Xuân… đang trong tình trạng tương tư khi chất lượng kém, thiếu tiện ích, chất lượng dịch vụ không bảo đảm. Thậm chí, không gian chung ở các tầng, kể cả lối thoát hiểm cũng bị chiếm dụng; hàng quán bủa vây tòa nhà... Hiện diện tích hạ tầng xung quanh cũng bị lấn chiếm một cách vô tội vạ.
Trách nhiệm của Sở Xây dựng và đơn vị quản lý
Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội, những nhà TĐC thành phố vẫn phải hỗ trợ kéo dài trong nhiều năm. Những tồn tại ở các khu TĐC hiện hữu nhưng chính quyền địa phương và Sở Xây dựng để tình trạng này kéo dài quá lâu.
“Việc chậm khắc phục, cần phải đánh giá xem trách nhiệm của Công ty quản lý hay của quận, huyện, Sở Xây dựng trong việc chậm tham mưu cho thành phố xử lý những tồn tại quản lý bảo trì” - ông Nguyễn Nguyên Quân nói.
Ngay cổng vào tòa nhà tái định cư N06 Dịch Vọng mọc lên nhiều cửa hàng tạp hóa, bán trà đá. (Ảnh: Zing)
|
|
Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện còn tới 152 tòa chung cư TĐC chưa đủ điều kiện PCCC. Thành phố đã quyết định dùng ngân sách của thành phố để khắc phục PCCC, ông Nguyễn Nguyên Quân cho rằng tiến độ rất chậm.
Bên cạnh những tòa nhà TĐC không có quỹ bảo trì có không ít những tòa TĐC mới được xây dựng nhưng diện tích chung riêng cũng chưa được bàn giao. Cùng với đó, nhiều tòa nhà chưa được bàn giao quỹ bảo trì. Vấn đề này có trách nhiệm của Sở Xây dựng, ông Nguyễn Nguyên Quân khẳng định.
Nhiều tòa nhà TĐC chưa thành lập được ban quản trị, dù đã tổ chức hội nghị nhà chung cư lần hai - việc này do sự phối hợp của các UBND phường với các đơn vị liên quan cũng như trách nhiệm chỉ đạo của UBND quận, huyện chưa tốt.
Tạo nguồn bù đắp bảo trì cho các khu TĐC
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thừa nhận chất lượng nhà chung cư TĐC yếu kém, đặc biệt những tòa nhà xây dựng cách đây nhiều năm. Trước đây, việc thay thế trang thiết bị chung, thấm dột ở các khu TĐC đơn vị quản lý không có tiền để sửa chữa, khi các tòa TĐC được xây trước khi có quy định về quỹ bảo trì.
Các đơn vị như Tổng Cty đầu tư và phát triển nhà hay Cty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội mới thực hiện thu 30 nghìn đồng/hộ/tháng để có thêm tiền hoặc người dân đóng theo quy định để bù đắp cho chi phí vận hành.
“Các khu tái định cư đang có hơn 78.000 m2 cho thuê mặt bằng tầng 1 và diện tích chung. Thành phố đã cho cơ chế để sử dụng một phần kinh phí thu được từ diện tích kinh doanh dịch vụ để bù đắp việc bảo trì, sửa chữa nhà TĐC” – ông Lê Văn Dục nói.
Theo đó, diện tích cho thuê ở nhóm nhà tái định cư đạt doanh thu khoảng 28 – 30 tỷ đủ bù đắp cho việc duy trì kinh phí sửa chữa. Như vậy, quỹ bảo trì, sửa chữa cho các khu TĐC đã có một phần từ nguồn kinh doanh cho thuê nhưng đây mới chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài vẫn cần phải xây dựng quỹ bảo trì, thúc đẩy việc thành lập ban quản trị để chính người dân ở các khu TĐC quản lý và vận hành theo đúng quy định./