Chủ đầu tư, nhà thầu lo lắng
Trao đổi về những diễn biến thị trường nhà ở trong khuôn khổ phiên họp báo về Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội ngày 15/11 sắp tới, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) bày tỏ lo ngại về sự tập trung quá mức của phần lớn doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản tại phân khúc nhà ở cao cấp. Trong khi đó, sản phẩm nhà ở được nhiều người quan tâm nhất là nhà ở thương mại giá trung bình, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội lại khan hiếm. Cung không gặp cầu là nguyên nhân khiến lượng giao dịch bất động sản chững lại cả về số giao dịch lẫn số dự án mới ra mắt.
“Trong khi nhiều chủ đầu tư hỏi tôi về việc có nên khởi công mới dự án vào thời điểm này, thì nhiều nhà thầu xây dựng có tiếng tỏ rõ sự lo lắng khi số hợp đồng xây dựng họ ký được thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Vào thời điểm này năm trước, những nhà thầu lớn như Delta, Coteccons, Hòa Bình đã có đủ công việc cho cả năm sau, nhưng năm nay, doanh nghiệp vẫn lo lắng về việc làm khi số hợp đồng xây mới ký được chưa đạt kế hoạch dự kiến. Như vậy, số lượng dự án nhà ở khởi công mới tại các thành phố lớn năm 2018 có thể sẽ ít đi”, ông Nam chia sẻ.
Theo thống kê của VNRea, từ quý III/2017, thị trường nhà ở tại Hà Nội đã cho thấy sự chững lại cả về số giao dịch lẫn số dự án mới ra mắt. Tổng lượng nhà ở chung cư giao dịch tại Hà Nội đạt 4.955 giao dịch, giảm khoảng 8,5% so với quý II. Trong đó, căn hộ cao cấp chiếm 5,4%, trung cấp chiếm 36,4% và giá thấp chiếm 58,2% tổng lượng giao dịch căn hộ trên địa bàn Thành phố.
Tại TP.HCM, chỉ có 12 dự án mở bán lần đầu trong quý III/2017, với tổng số căn hộ chào bán đạt 4.526 căn, giảm tới 62% so với quý trước. Trong đó, nguồn cung tập trung chủ yếu là căn hộ trung cấp. Tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư đạt 7.494 giao dịch, giảm 24% so với quý II/2017. Các giao dịch chủ yếu là phân khúc nhà ở trung cấp, chiếm tới 51% tổng lượng giao dịch, giao dịch nhà ở cao cấp chiếm 39% và giao dịch nhà ở giá thấp chỉ chiếm 10% (do có quá ít dự án thuộc phân khúc này).
Tập trung cho nhà thương mại giá rẻ
Theo bà Bùi Thị Phương Chi, Giám đốc Kênh truyền hình kinh tế tài chính VITV, thực tế diễn biến thị trường bất động sản 2017 cũng như những băn khoăn của các chủ đầu tư, nhà thầu sẽ được chuyển tải đến cơ quan chức năng trong khuôn khổ Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất.
Chia sẻ về các nội dung liên quan đến Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Diễn đàn là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá các phân khúc thị trường bất động sản, đặc biệt là các chính sách với nhà ở và quản lý thị trường bất động sản.“Tại sự kiện này, các cơ quan chức năng là Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến những tồn tại, khiếm khuyết của thị trường bất động sản. Các vấn đề liên quan đến phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, phát triển công trình xanh, bất động sản nghỉ dưỡng… sẽ được Diễn đàn đề cập dưới các góc độ khác nhau”, bà Bùi Phương Chi cho biết.
Giải pháp cho sự phát triển của thị trường nhà ở năm 2018 và những năm tới, theo ông Nguyễn Văn Phúc, là doanh nghiệp nên tập trung hơn cho phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, đáp ứng nhu cầu ở thực của người có thu nhập trung bình và thấp. “Thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục tập trung với phân khúc nhà ở cao cấp, thì nguy cơ khủng hoảng do cung - cầu không gặp nhau của những năm 2012 - 2013 có thể lặp lại”, ông Phúc cảnh báo.
Hà Quang