Nhu cầu nhà ở xã hội vẫn lớn
Theo khảo sát mới nhất về nhu cầu nhà ở thu nhập thấp đến năm 2020 của Hà Nội, nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội đến năm 2020 tăng gần 50% so với chương trình phát triển nhà ở Thành phố đặt ra. Điều đáng nói là nguồn cầu cao như vậy nhưng nhiều dự án tính thanh khoản vẫn không cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các dự án nhà ở xã hội thường nằm xa trung tâm, chưa đáp ứng đủ điều kiện sống cho cư dân. Đặc biệt nhiều dự án có tiếng là nhà ở xã hội nhưng có mức giá sàn không kém mấy so với giá nhà thương mại.
Khu tổ hợp nhà ở xã hội chất lượng cao Rice City Linh Đàm. Ảnh KTĐT.
Lấy ví dụ dự án nhà ở xã hội ở 987 Tam Trinh, quận Hoàng Mai mức giá chào sàn được chủ đầu tư đưa ra là 15,2 triệu/m2, dự án nhà ở xã hội Bright City, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, cũng có giá hơn 14 triệu đồng/m2. Dự án nhà ở xã hội Eurowindow River Park ở ngay khu vực cầu Đông Trù, huyện Đông Anh cũng có giá 15 triệu đồng/m2…
Theo ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu Lạc bộ Bất động sản Hà Nội, giá căn hộ ở những nhà ở xã hội hiện nay không còn thấp như trước, thậm chí còn đang tăng dần, hiện giá trung bình dao động từ 14 - 16 triệu đồng/m2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là do giá các nguyên vật liệu xây dựng tăng, chi phí nhân công tăng, chi phí hạ tầng cũng tăng, trong khi doanh nghiệp lại không được vay ưu đãi nên giá căn hộ buộc phải tăng.
Cũng theo ông Điệp, giá nhà thương mại bình dân với nội thất đầy đủ, có VAT, phí bảo trì cũng chỉ cao hơn nhà ở xã hội 2 - 3 triệu đồng/m2. Nếu không có chính sách hỗ trợ thì rất có thể người dân trong diện được mua nhà ở xã hội cũng sẽ quay lưng lại với thị trường này, chuyển sang nhà thương mại giá bình dân.
Rẻ đến bao nhiêu là vừa
Theo một số chuyên gia xây dựng, việc xây dựng căn hộ giá rẻ phải hội tụ đủ một số tiêu chí cơ bản. Đầu tiên, doanh nghiệp xây dựng không chịu bất cứ một chi phí nào về đất như: Phí bồi thường, Tiền sử dụng đất, phí đầu tư hạ tầng. Tiếp theo, đó là khu xây dựng căn hộ phải gắn liền với với những nơi đông công nhân sinh sống đó là khu chế xuất, khu công nghiệp và cuối cùng vẫn phụ thuộc nhiều vào chính sách hỗ trợ của địa phương.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, với Hà Nội, rẻ đến bao nhiêu là vừa? Việc lo lắng cho nhà cho người thu nhập thấp là đúng nhưng cũng cần tính toán đến nhìn xa hơn chứ không thể xây nhà giá rẻ rồi 10-15 năm sau, các căn hộ này lại trở thành khu “ổ chuột” như các chung cư cũ trước đây.
Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng trước khi nói đến bài toán tài chính, điều kiện thiết yếu làm nền tảng để phát triển nhà ở xã hội, nhà tái định cư thực sự hiệu quả là quỹ đất và một tầm nhìn quy hoạch khả thi. Để làm được vấn đề này, trước hết, thành phố phải tiến hành khảo sát, điều tra sát nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội, nhà tái định cư, cụ thể đối với từng khu vực để phân bổ, bố trí xây dựng phù hợp, tránh tình trạng nhà bán không người mua.
Được biết, để tháo gỡ khó khăn về việc bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai những chương trình nhà ở xã hội trọng điểm. Bộ Xây dựng đã, tập trung tháo gỡ các thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để khuyến khích, huy động các nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.
Riêng đối với gói 2.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương tiếp nhận nguồn vốn, triển khai ngay việc cho vay trong năm nay.