Bộ Xây dựng cho biết hiện nay thị trường BĐS đang tồn tại 4 vấn đề lớn. Đầu tiên là thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa đầy đủ và thiếu thống nhất; chưa bảo đảm công khai, minh bạch gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như người dân khi tham gia thị trường. Đã có dấu hiệu về đầu cơ, làm sai lệch thông tin thông qua khâu phân phối.
Vấn đề thứ hai là tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn, tốc độ giảm tồn kho những tháng gần đây có chậm lại do phần lớn các dự án tồn kho nằm ở xa trung tâm, hạ tầng chưa có nên rất khó bán được hàng; nguồn cung nhà ở cao cấp hiện nay đang dư thừa trong khi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu rất nhiều so với yêu cầu; việc triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở vẫn còn chậm.
Tồn tại thứ ba là công tác rà soát, điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu các dự án bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường đã được triển khai, nhưng nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi hoặc tạm dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và nhu cầu thực của thị trường.
Thứ tư là công tác phát triển nhà ở xã hội tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; việc huy động nguồn vốn cho thị trường bất động sản chưa đa dạng, chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng; thiếu nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, từ trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn cho vay trung hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi cho Nhà ở xã hội; thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi ở các đô thị lớn.
Một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, mức độ ưu đãi phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương nên chưa thu hút được doanh nghiệp. Số lượng nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê còn rất hạn chế.
Từ 4 hạn chế trên Bộ Xây dựng đã kiến nghị 5 giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống công cụ để quản lý, kiểm soát sự phát triển của thị trường bất động sản theo hướng ổn định, bền vững, có cấu trúc hoàn chỉnh và đồng bộ, kết nối liên thông với các thị trường khác của nền kinh tế; chủ động xây dựng các kịch bản và các giải pháp để điều tiết, kiểm soát, bình ổn thị trường.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa bất động sản nhà ở, bao gồm nhà ở để bán, nhà ở cho thuê, thuê mua, có giá cả phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số đối tượng trong xã hội; kiểm soát cơ cấu phân khúc sản phẩm, đẩy mạnh phát triển phân khúc bất động sản cho thuê.
Thứ ba, đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xem xét bố trí đủ kế hoạch vốn trung hạn để cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ;
Thứ tư, đề nghị các cấp có thẩm quyền phải kiểm soát chặt chẽ khi quyết định hoặc chấp thuận đầu tư các dự án căn hộ trung và cao cấp. Khuyến khích các dự án căn hộ diện tích nhỏ, giá trung bình để tránh xảy ra tình trạng lệch pha cung - cầu dễ gây bất ổn cho thị trường;
Thứ năm, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp sau: Tập trung đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, quan tâm bố trí quỹ đất và có cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho thuê (đặc biệt là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố có nhiều công nhân lao động).
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản, tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản. Trước khi cho phép đầu tư dự án phải đánh giá nhu cầu trung và dài hạn đối với nhà ở cũng như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng; Tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa không phù hợp nhu cầu thị trường, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định việc cho dãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc thu hồi dự án;
Bên cạnh đó, bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện điều tra, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu để triển khai hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản để làm cơ sở quản lý, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản ổn định, bền vững; lập kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để triển khai thực hiện quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương;
Công khai danh sách các dự án chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng; các dự án chậm tiến độ có vướng mắc về vấn đề pháp lý, có quyết định thu hồi dự án và thông tin về danh sách các chủ đầu tư có sai phạm, năng lực yếu kém để người dân mua nhà ở biết, tránh được rủi ro tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện giao dịch mua bán nhà ở;
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và có các biện pháp kịp thời để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật làm tăng giá bất động sản bất hợp lý trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá đất nền và bong bóng bất động sản.
Theo Trí thức trẻ/ Lan Nhi